Mầm non Mễ Sở - Khơi nguồn sáng tạo

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày hội chuyên môn của mầm non Mễ Sở trước thềm năm học mới với tổ chức hoạt động chuyên đề

Hàng năm, cứ vào dịp chuẩn bị bước vào năm học mới trường mầm non Mễ Sở thường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hình thức chuyên đề đây là dịp để trao đổi chuyên môn góp phần nâng cao chất lượng dạy học, không những thế đây còn là dịp để giáo viên giữa các tổ thấy rõ được sự cần thiết của việc giáo dục đồng tâm, những kiến thức, kỹ năng ở lớp nhỏ hơn luôn là tiền đề cho sự phát triển của trẻ ở lớp lớn hơn. Thông qua sinh hoạt chuyên môn sẽ xuất hiện nhiều ý tưởng hay, phương pháp đổi mới giúp cho GV nâng cao được trình độ nghề nghiệp của bản thân, hình thành các mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp, xây dựng môi trường học tập và tự học suốt đời. Từ đó góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Thực hiện nhiệm vụ năm học, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học phù hợp với chương trình GDMN, ngày 31/8/2024 vừa qua, trường mầm non Mễ Sở tổ chức buổi chia sẻ chuyên đề với chủ đề: Đổi mới phương pháp dạy học, tiếp cận phương pháp giáo dục STEAM trong tổ chức hoạt động ở trường mầm non. Về dự sinh hoạt chuyên đề có các đồng chí trong ban giám hiệu nhà trường cùng toàn thể giáo viên trong trường. Với sự đầu tư công sức, trí tuệ và sáng tạo của mỗi giáo viên cũng như của tổ chuyên môn, 4 tiết thực hành chuyên đề đến từ 4 tổ đã được đánh giá rất cao và thiết thực đối với trẻ, trẻ rất hứng thú và phát huy được tính tích cực ở trẻ: tạo cho trẻ cơ hội học tập và trải nghiệm. Khuyến khích trẻ khám phá, tìm tòi, phát huy năng lực tư duy sáng tạo, tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề. Có cơ hội ứng dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tế để tạo ra các sản phẩm có nghĩa.

- Tổ nhà trẻ với hoạt động làm quen văn học – thơ “Chổi ngoan” – GV: Nguyễn Thị Thảo

Để tạo hứng thú khi trẻ bước vào hoạt động, gợi cho trẻ ấn tượng về bài thơ bằng nhiều hình thức như: đọc rap, khám phá hộp quà Bên cạnh đó, với việc đổi mới  hình thức đọc thơ diễn cảm và đàm thoại  cho trẻ, cô giáo đã mang đến cho trẻ một màu sắc hoàn toàn khác với hoạt động này, giúp cho trẻ ngôn ngữ mạch lạc hơn, trẻ tự tin và rất sôi nổi khi được lên đọc thơ, được trả lời các câu hỏi một cách tự nhiên, không gò bó ngay trên sân khấu cùng các bạn.

- Tổ 3 tuổi với hoạt động “Khám phá quả chanh” (ứng dụng phương pháp STEAM) -GV: Vũ Thị Làn

Với hình thức tổ chức hoạt động ứng dụng steam dạy theo quy trình 5E, thông qua giờ học khám phá quả chanh các bé đã được tự tìm hiểu, tự trải nghiệm khám phá quả chanh và biết được đặc điểm cấu tạo các bộ phận của quả chanh. Sau đó các con được thảo luận theo nhóm, được ghi chép lại những gì mình khám phá được cô giáo là người đồng hành cùng gợi mở, khái quát và hỗ trợ các bé khi cần thiết. Khép lại giờ học là một hoạt động vô cùng thú vị dành cho các bé khi được tự tay mình pha những cốc nước chanh thơm mát và thưởng thức cùng các bạn một cách vui vẻ. Một giờ học nhưng không có bất kỳ một khuôn mẫu nào, trẻ được tự do thảo luận, được trao đổi cùng cô và các bạn một cách thoải mái qua đó sự tự tin, ngôn ngữ của trẻ được phát huy một cách tích cực.

- Tổ 4 tuổi với hoạt động làm quen chữ cái o-ô-ơ – GV: Nguyễn Thị Bình

Trong hoạt động này rất chú trọng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm và nghệ thuật dạy học. Cô giáo đóng vai cô nàng ngốc nghếch để cùng chơi, cùng học với trẻ, đề cao sự hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ thể hiện trí thông minh và tài năng sáng tạo. Tăng cường cho trẻ hoạt động trải nghiêm để lĩnh hội kiến thức. Động viên trẻ mạnh dạn thuyết trình chia sê kỹ năng tạo chữ cái bằng các vật liệu khác nhau, trao đổi cách phát âm từng chữ cái.Với hình thức học qua chơi, chơi để như vậy, quá trình trẻ  tiếp thu kiến thức thật nhẹ nhàng mà hiệu quả. Đây chính là tiền đề của phương pháp giáo dục Steam.

- Tổ 5 tuổi với hoạt động “Đếm đến 6, nhận biết nhóm có 6, nhận biết chữ số 6” (ứng dụng phương pháp STEAM – quy trình 5E) – GV: Nguyễn Thu Hiền

Hiểu được ý nghĩa của việc dạy trẻ thông qua trải nghiệm, thực hành trong giờ hoạt động cho trẻ làm quen với toán cô giáo lớp 5A1 đã tổ chức một chuỗi các hoạt động cho trẻ để trẻ có thể đếm đến 6, nhận biết nhóm có 6, nhận biết chữ số 6 như: cùng nhau thảo luận, sắp xếp và tạo ra các nhóm đồ vật có số lượng 6, hay cùng chơi các trò chơi toán học “Nhìn tinh gắn đúng” “Thi xem ai nhanh”.... và đặc biệt trẻ được tự tay khám phá và tạo ra số 6 bằng các nguyên vật liệu khác nhau ( que kem, đất nặn, phấn, kẽm bông, hột hạt...) Từ đó giúp các bé hình thành biểu tượng về các thuật ngữ toán học một cách dễ dàng thông qua “chơi mà học”. Bên cạnh đó bạn nào cũng thích thú với việc được cùng các bạn thảo luận, khám phá và rất tự hào khi kết quả của nhóm mình được cô giáo và các bạn ghi nhận. Qua đây các kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng thuyết trình, ngôn ngữ của trẻ được hoàn thiện và phát triển.

Sau khi dự các hoạt động, BGH cùng giáo viên các lớp đã chia sẻ, trao đổi  kinh nghiệm về phương pháp dạy học đổi mới, ứng dụng hoạt động Steam trong hoạt động “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” qua thảo luận và dự 4 hoạt động giáo viên đã hiểu sâu sắc hơn về mô hình dạy học ứng dụng hoạt động Steam trong các hoạt động của trẻ. Bên cạnh đó giáo viên tự so sánh, đối chiếu mình với bạn bè đồng nghiệp, từ đó biết phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế về chuyên môn để chủ động điều chỉnh nội dung, tìm phương pháp dạy  phù hợp hướng tới người học, tạo cơ hội cho tất cả trẻ được tham gia vào quá trình học tập để nâng cao chất lượng dạy học. Từ đó khuyến khích, tạo cơ hội cho tất cả giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm và phát huy khả năng sáng tạo của mình  trong việc áp dụng các phương pháp dạy học mới vào từng hoạt động khác nhau... nhằm góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn và làm thay đổi văn hóa ứng xử trong nhà trường.

Không chỉ dừng lại ở đó, thành công của chuyên đề tiếp tục động viên mạnh mẽ tinh thần tự học và sáng tạo của tập thể cán bộ, giáo viên trường mầm non Mễ Sở trong việc thực hiện các nhiệm vụ năm học. Từ đây, mỗi thầy cô giáo sẽ có thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, tạo tinh thần nhiệt huyết với nghề, xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp và môi trường học tập ngày càng tốt đẹp, đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, nhu cầu học tập của trẻ và yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo hiện nay.

Với tinh thần nhiệt huyết, yêu nghề, ham học hỏi, cán bộ giáo viên toàn trường đã làm việc không quản thời gian trưa, tối. Đây đúng là " Ngày hội chuyên môn "  đầy bổ ích!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 32
Hôm qua : 89
Tháng trước : 1.718